Các trẻ đến khám thuộc các dạng khuyết tật: khuyết tật khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật khác và các rối loạn như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, nhận thức chậm … các em có độ tuổi từ 2-16 tuổi.

Cô giáo Vũ Thị Ngọ và cô giáo Phan Thị Vân Trang đang khám cho học sinh. Trong vòng 15 ngày, Trung tâm thực hiện khám liên tục các ngày trong tuần kể cả thứ 7 và chủ nhật. Sau khi khám, đánh giá Trung tâm đã tư vấn và cùng trao đổi với gia đình, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp, giúp các con tiến bộ và phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.
Các giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên
đang khám cho học sinhTrung tâm sử dụng 2 bộ công cụ là DENVER II và PEP-R để thực hiện khám và đánh giá trẻ/ học sinh. Bộ công cụ DENVER II sử dụng để khám, đánh giá trẻ em có độ tuổi dưới 6 tuổi. Bộ công cụ PEP-R được sử dụng để khám, đánh giá cho trẻ/học sinh trên 6 tuổi. Dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Trung tâm đã phân bố số trẻ em khám/ngày, trung bình mỗi ngày Trung tâm khám từ 6-7 trẻ/ học sinh đồng thời tư vấn làm hồ sơ và tư vấn hỗ trợ cho gia đình. Trong số hơn 90 trẻ/học sinh được khám và tư vấn thì có 50 trẻ/học sinh đủ điều kiện đến học tại Trung tâm. Đó là những trẻ/học sinh chưa được đi học hoặc đang học tại trường hòa nhập và hơn 40 gia đình trẻ/học sinh được Trung tâm tư vấn, hỗ trợ các giải pháp trong chăm sóc, giáo dục các con.
Cô giáo Mai Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm đang tư vấn
cho phụ huynh học sinh. Sau quá trình khám, những học sinh học tại Trung tâm sẽ được đánh giá theo thuyết đa năng lực của Howard Gardner, các em sẽ được đánh giá về khả năng và nhu cầu của chính mình. Từ kết quả đánh giá đó, Trung tâm sẽ sắp xếp lớp học phù hợp với đặc điểm của các em. Các giáo viên sẽ xây dựng chương trình, mục tiêu phù hợp với từng học sinh. Ngoài các giờ học tại lớp chung, các em còn được can thiệp cá nhân (một cô - một trò) vào các giờ theo thời khóa biểu trong tuần.
Trong quá trình tuyển sinh, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các nhà trường, các xã phường. Qua công tác khám sàng lọc, đánh giá, sẽ phát hiện sớm những rối loạn, từ đó có biện pháp can thiệp sớm, tận dụng được thời gian vàng của trẻ. Trung tâm mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành, các nhà trường, .... để trẻ em được phát hiện sớm các khuyết tật, các dấu hiệu rối loạn phát triển, để Trung tâm có thể hỗ trợ được cho nhiều trẻ em hơn nữa.
Tác giả: Đào Thị Thanh Phương