Giới thiệu về trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Điện Biên được thành lập tại Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 26/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trung tâm được đặt tại tổ 10, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, trên khu đất có diện tích 6.940,4m2 (chuyển đổi mục đích sử dụng một phần khu đất của Trại thực hành khuyến nông khuyến lâm trường phổ thông DTNT tỉnh).
Trung tâm được thành lập chính là niềm vui cho các bậc phụ huynh có con em bị khuyết tật trên toàn tỉnh, góp phần giúp cho các em được học văn hóa, được giáo dục kĩ năng sống, được hướng nghiệp để các em có thể hòa nhập vào xã hội, trở thành những công dân có ích cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
- Chức năng của trung tâm:
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên có các chức năng sau đây:
1. Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
2. Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
3. Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
4. Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng;
5. Cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao.
- Nhiệm vụ của Trung tâm :
            Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ tiếp nhận, giáo dục trẻ khuyết tật, hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập theo quy định; đồng thời thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho các cơ sở giáo dục có người khuyết tật học hoà nhập về phương pháp giảng dạy và hỗ trợ kỹ thuật;  là cơ sở cung cấp nội dung, chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Điện Biên.  Cụ thể như sau:
    1. Phát hiện, đánh giá khuyết tật, can thiệp giáo dục sớm cho trẻ khuyết tật
Trung tâm chủ trì, phối hợp với người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát hiện khuyết tật và xác định ảnh hưởng của khuyết tật đối với việc giáo dục trẻ khuyết tật. Từ đó chẩn đoán và đánh giá các nhu cầu đặc biệt cần được hỗ trợ cho trẻ và gia đình trẻ. Đây là khâu quan trọng đầu tiên nhằm đưa ra được:
- Quyết định phạm vi và mức độ khuyết tật về mặt y học và giáo dục;
- Quyết định thực hiện hình thức giáo dục: Chuyên biệt, bán hòa nhập hoặc hòa nhập;
- Các chương trình can thiệp và phát triển cá nhân cho trẻ ở gia đình và trường học;
- Các chương trình tư vấn và hỗ trợ cho phụ huynh.
Phối hợp với đội ngũ chuyên gia khoa học giáo dục đặc biệt tổ chức đánh giá phát triển của trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Sử dụng công cụ đánh giá trẻ theo thang đánh giá phát triển dành cho trẻ từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực: tư thế - vận động, nhận thức - thích ứng, ngôn ngữ - xã hội. Qua đánh giá nhằm xác định mức độ phát triển hiện tại cũng như điểm mạnh và nhu cầu của trẻ. Từ đó giúp giáo viên và tư vấn gia đình trẻ biết được mức độ phát triển hiện tại của trẻ và những đặc điểm trong quá trình phát triển của trẻ để có những mục tiêu và cách thức chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Phối hợp với các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức đánh giá, sàng lọc định kỳ trẻ nhằm đánh giá thực trạng trẻ khuyết tật làm cơ sở ban đầu cho công tác nghiên cứu và định hướng phát triển hoạt động giáo dục hòa nhập.
2. Tư vấn giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật
Tư vấn cho trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp, tư vấn tới các cơ sở chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu tâm lý, sức khỏe của trẻ khuyết tật.
Phối hợp với các cơ sở giáo dục tiếp nhập trẻ khuyết tật trên địa bàn, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập theo quy định tại Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ngày 22/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, bao gồm:
- Sắp xếp trẻ khuyết tật vào các lớp học phù hợp và giáo dục học sinh lòng yêu thương, giúp đỡ trẻ khuyết tật;
- Tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng về chăm sóc, giáo dục cho trẻ khuyết tật;
- Phát hiện khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật, lập kế hoạch, huy động và tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập;
- Thực hiện hoạt động hỗ trợ về can thiệp sớm, giáo dục, phục hồi chức năng phát triển kỹ năng cơ bản, hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật; tổ chức hoạt động chăm sóc và cung cấp các kỹ năng cơ bản, cần thiết cho trẻ khuyết tật trước khi vào học tại các lớp hòa nhập;
- Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục về trẻ khuyết tật cho các cơ sở giáo dục và gia đình;
- Huy động nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho công tác can thiệp sớm và chăm sóc, giáo dục cho trẻ khuyết tật.
Tổ chức tập huấn kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên có trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập. Tập huấn hướng dẫn phụ huynh phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình ... giúp trẻ khuyết tật có điều kiện sống, học tập độc lập, tích cực trong môi trường của trẻ bình thường đồng trang lứa thông qua kế hoạch học tập của cá nhân.
Ngoài nhiệm vụ tư vấn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, Trung tâm có dịch vụ tư vấn cho mọi đối tượng người khuyết tật như: Tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm... cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
3. Hỗ trợ hòa nhập trẻ khuyết tật
Căn cứ nhu cầu về giáo dục của trẻ khuyết tật, Trung tâm sẽ thực hiện việc hỗ trợ trẻ khuyết tật với các nội dung như:
- Phát triển và rèn luyện các kĩ năng xã hội cho trẻ khuyết tật trước tuổi đi học;
- Phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu giáo dục của trẻ khuyết tật tại gia đình và cộng đồng;
- Rèn luyện các kĩ năng đặc thù đáp ứng nhu cầu giáo dục của trẻ khuyết tật;
- Hướng nghiệp, giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho trẻ khuyết tật;
- Liên hệ với các dịch vụ phù hợp cho trẻ khuyết tật, gia đình có trẻ khuyết tật;
- Tổ chức cho trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng;
- Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cần thiết khác cho trẻ khuyết tật tại gia đình, các cơ sở giáo dục và cộng đồng.
- Hỗ trợ các cơ sở giáo dục có trẻ khuyết tật xây dựng hồ sơ giáo dục cá nhân, trong đó có các thông tin về: khả năng, nhu cầu; các đặc điểm cá nhân; mục tiêu hàng năm và mục tiêu học kỳ; thời gian thực hiện; nội dung, biện pháp thực hiện; người thực hiện; kết quả đánh giá và điều chỉnh sau đánh giá đối với người học. Kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho người khuyết tật được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học chung và nhu cầu, khả năng của người khuyết tật.
4. Tổ chức hoạt động giáo dục chuyên biệt
Mặc dù giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với trẻ khuyết tật, nhưng không phải bất cứ trẻ khuyết tật nào cũng có thể tham gia giáo dục hòa nhập được, do đó một bộ phận trẻ khuyết tật cần được áp dụng phương thức giáo dục chuyên biệt.
Việc tổ chức các lớp giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm có lợi thế là sử dụng đội ngũ giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt đã được tuyển dụng. Dự kiến khi đi vào ổn định Trung tâm sẽ có 12 lớp giáo dục chuyên biệt với 120 trẻ khuyết tật (trung bình 10 trẻ/lớp) học chuyên biệt tại Trung tâm, trung bình 01 giáo viên/lớp, gồm các lớp: Lớp cho trẻ khuyết tật vận động; lớp cho trẻ khuyết tật nghe, nói; lớp cho trẻ khuyết tật nhìn; lớp cho trẻ khuyết tật trí tuệ; lớp cho trẻ tự kỷ; lớp chuyên cho các tiết dạy cá nhân...Tổ chức đưa âm nhạc, dạy học môn nghệ thuật, năng khiếu vào quá trình can thiệp và đáp ứng nhu cầu đặc biệt cho trẻ tự kỷ.
5. Cung cấp nội dung chương trình, phương pháp, thiết bị, tài liệu dạy học đặc thù phù hợp
Xây dựng nội dung chương trình, bồi dưỡng phương pháp và chuyển giao công nghệ giáo dục khuyết tật cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật.
Cung cấp sách giáo khoa chuyển đổi bằng chữ nổi Braille, thiết bị, tài liệu đối với trẻ khiếm thị; sách giáo khoa chuyển đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu, thiết bị, tài liệu đối với trẻ khiếm thính; tài liệu, thiết bị hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khuyết tật ngôn ngữ và các dạng khuyết tật khác.
6. Hoạt động phục hồi chức năng
Trẻ khuyết tật vận động, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị có khuyết tật về vận động sẽ được nhân viên y tế có nghiệp vụ về phục hồi chức năng tập các bài tập tại phòng phục hồi chức năng.
7. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống
Cung cấp kỹ năng sống cơ bản như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vệ sinh cá nhân, lựa chọn thực phẩm, nấu ăn
8. Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề
Liên kết dạy một số nghề phù hợp với năng lực, năng khiếu của trẻ khuyết tật như: Làm hoa, vẽ, may, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, tin học,...
9. Các hoạt động khác
Phối hợp với các tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng tổ chức các chương trình hội thảo, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về trẻ khuyết tật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật, trẻ khuyết tật trong công tác giáo dục hoà nhập.
Phối hợp với các tổ chức báo, đài địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng chuyên đề, đưa tin về công tác giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật, nhằm truyền thông, cung cấp kiến thức cho cộng đồng hiểu biết về trẻ khuyết tật nói chung và trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cung cấp kiến thức kỹ năng cho cán bộ giáo viên của trung tâm, cán bộ giáo viên các trường mầm non, phổ thông có trẻ khuyết tật.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây